Hiện tượng này xuất hiện mỗi khi giá vàng thế giới đảo chiều đi xuống,àngmiếngSJCngàycàngđắtđỏxsmb thứ 6 nguồn cung vàng miếng hiếm nên mới xảy ra hiện tượng này.
Vàng miếng SJC cao hơn thế giới 14,7 triệu đồng/lượng
Giá vàng thế giới trượt giảm mạnh trong ngày 2.10, mất thêm 14 USD/ounce, xuống còn 1.832 USD/ounce. Như vậy trong 2 tuần trở lại đây, kim loại quý đã giảm tổng cộng 100 USD/ounce, tương ứng gần 3 triệu đồng/lượng. Thế nhưng, giá vàng miếng SJC lại có hướng tăng lên. Giá vàng miếng SJC ngày 2.10 tăng thêm 150.000 đồng mỗi lượng, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào với giá 68,3 triệu đồng, bán ra 69 triệu đồng; Eximbank mua vào với giá 68,3 triệu đồng, bán ra 68,8 triệu đồng…
Chính vì sự biến động ngược sóng nên giá vàng miếng SJC hiện cao hơn quốc tế lên đến 14,7 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao nhất trong vài tháng trở lại đây. Giới kinh doanh vàng nhận xét cứ mỗi lần giá vàng thế giới đảo chiều giảm mạnh, giá trong nước sẽ xuống chậm hơn và duy trì ở mức cao dẫn đến khoảng cách chênh lệch vàng trong nước cao hơn thế giới lên mức cao.
Nguyên nhân khiến giá vàng trong nước cao hơn thế giới được đề cập tại dự thảo báo cáo tổng kết Nghị định 24/2012 quản lý thị trường vàng hồi tháng 2.2023 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo nhà điều hành, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và quốc tế từ tháng 6.2021 đến nay do giá vàng quốc tế biến động mạnh, các doanh nghiệp (DN) trong nước có tâm lý đề phòng rủi ro, trong khi nguồn cung vàng hạn chế khiến chênh lệch giá trong và ngoài nước nới rộng và duy trì ở mức cao.
Nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thương hiệu khác là do thương hiệu SJC được khách hàng ưa chuộng, giao dịch vàng miếng SJC chiếm tỷ trọng lớn trên 90% giao dịch từ trước khi Nghị định 24 ban hành. Thương hiệu này hiện nay vẫn được thị trường tin tưởng lựa chọn và tính thanh khoản cao, được chấp nhận ở các điểm giao dịch.
Về nguyên nhân chủ quan, nguồn cung vàng miếng trên thị trường không được bổ sung mới, chỉ là nguồn vàng có sẵn từ năm 2013 trở về trước. Để thực hiện mục tiêu hạn chế "vàng hóa" trong nền kinh tế, từ khi Nghị định 24 ban hành, NHNN chỉ tổ chức sản xuất và bán vàng miếng ra thị trường vào năm 2013, từ năm 2014 đến nay NHNN chưa bán vàng miếng can thiệp thị trường.
Trên thị trường, nguồn cung vàng miếng SJC hiện nay khan hiếm, nhiều thời điểm giá vàng trong nước thấp hơn giá quốc tế, một số DN đã sử dụng vàng miếng SJC làm vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang 9999 và xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ thu ngoại tệ. Ngoài ra, bản thân các tổ chức tín dụng, DN kinh doanh vàng có tâm lý phòng thủ để phòng rủi ro.
Trong thời gian qua, giá vàng biến động khó lường, các DN thường không dự trữ sẵn lượng lớn vàng SJC, không chủ động được nguồn cung vàng miếng nên có tâm lý phong thủ, thường mua bán vàng miếng ở mức giá cao để phòng ngừa rủi ro. Đặc biệt khi giá thế giới càng xuống, chênh lệch giá vàng thường giãn rộng do nếu hạ giá vàng miếng SJC sát với giá thế giới, tâm lý mua vàng có thể gia tăng, trong khi các DN không đảm bảo đủ nguồn cung vàng miếng đáp ứng thị trường.
Tăng cung cho thị trường để kéo giảm mức đắt đỏ
TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng sở dĩ vàng trong nước luôn giữ mức rất cao so với thế giới là do "lệch pha" về cung cầu. Theo Nghị định số 24, vàng miếng do nhà nước độc quyền sản xuất, NHNN là đơn vị được Chính phủ giao cho tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. Trong khi đó, vàng nữ trang nói chung thì nhiều đơn vị, cửa hàng được phép mua bán, sản xuất nên nguồn cung đa dạng hơn. Chính vì vậy, chỉ có vàng miếng SJC luôn giữ vững giá cao hơn thế giới ở mức cao trên 10 triệu đồng mỗi lượng trong khi vàng nữ trang thì bám sát giá vàng thế giới.
Mặc dù còn chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng các thương hiệu khác nhưng cung cầu trên thị trường vàng thời gian qua tương đối ổn định, chưa phát hiện tình trạng đầu cơ, làm giá.
(Dự thảo báo cáo tổng kết Nghị định 24/2012)
"Để giảm bớt sự chênh lệch giữa vàng miếng SJC với thế giới thì phải xem xét thay đổi chính sách, có thể cho phép thêm một số đơn vị khác tham gia sản xuất cung ứng vàng miếng. Khi thị trường có sự cạnh tranh thì tất yếu giá sẽ cân bằng trở lại", TS Nguyễn Hữu Huân nói.
Còn TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, phân tích bối cảnh ban hành Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đến nay đã khác rất nhiều. Vàng hiện không có vai trò tác động lớn đến thị trường tài chính nói chung như có nhiều suy nghĩ trước đây. Nhiều năm qua, Chính phủ đã kiểm soát tốt lạm phát, giữ vững thị trường tài chính tiền tệ nói chung và giá trị tiền VND cũng ổn định. Từ đó, nhiều người dân không còn lựa chọn vàng là kênh tích lũy nhiều mà khi có tiền dư sẽ gửi vào hệ thống ngân hàng.
Do đó, ông cho rằng để vàng miếng SJC chênh lệch quá cao trên 10 triệu đồng như hiện nay sẽ khiến tình trạng buôn lậu vàng xảy ra. Từ đó khiến việc "chảy máu" ngoại tệ là có và tác động tiêu cực đến tỉ giá ngoại tệ trong nước. Trường hợp giả sử đưa vàng miếng SJC chỉ cao hơn thế giới từ 400.000 - 1 triệu đồng/lượng như trước đây (do cộng thêm thuế nhập khẩu, phí) thì liệu vốn của người dân có chảy vào vàng nữa hay không?
TS Đinh Thế Hiển khẳng định sẽ không có việc này. Những người có nhiều tiền giờ đa số sẽ chọn kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản hoặc gửi tiết kiệm. Chỉ có những người buôn bán nhỏ, công nhân vì tiết kiệm tích lũy nên chỉ mua dăm ba chỉ và đây là số lượng không đáng kể. Vì vậy ông cho rằng cần xem xét lại, sửa đổi chính sách quản lý vàng phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay.